Hà Nội dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách hàng Việt Nam |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 919 / QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021-2025.
Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại siêu thị Go (TP Hạ Long) |
Theo đó, Chương trình OCOP đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 – 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố, nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp loại; ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 40% đối tượng OCOP là hợp tác xã, 30% đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ít nhất 30% tác nhân OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế vòng tròn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân loại.
Chương trình phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; ít nhất 50% đối tượng OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử …); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP sẽ được triển khai tại các vùng nông thôn trong cả nước đến năm 2025. Đối tượng thực hiện là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tham quan, chủ thể gồm: Các chủ thể nêu trên và các hội / hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
Sản phẩm bao gồm hàng hóa, dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa và lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh và lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa….
Chương trình OCOP là chương trình trọng điểm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế vòng, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.