Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. tiếp tục có những chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021; không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông từng bước được nâng cao.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người và 47 người khác bị thương. Qua tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 14.717 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 1.835 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 75 trường hợp người điều khiển phương tiện có chất ma túy trong người khi tham gia giao thông, đây là những hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông và nhiều hệ lụy khác cho xã hội.
Thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết, số người bị thương; ngăn chặn, không để xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên. UBND tỉnh Tuyên Quang vừa yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh thường xuyên quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công nhân viên, người lao động chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Công văn của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; gương mẫu, đi đầu thực hiện đúng quy định đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với người vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể có liên quan.
Quán triệt và yêu cầu cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ lái xe, sử dụng xe công vụ tuyệt đối tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan. Phát huy mạnh mẽ vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nghiêm cấm việc can thiệp, gây ảnh hưởng trong quá trình xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ. đường bộ, đường thủy nội địa của các lực lượng chức năng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đặc biệt là phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc chất ma túy. Thông báo cho cơ quan, đơn vị quản lý khi có hành vi vi phạm là cán bộ, công nhân viên trong cơ quan Nhà nước, địa phương nơi công dân cư trú để các đối tượng khác xem xét, xử lý. theo quy định.
Tổ chức và thực hiện nghiêm túc “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường – Tháng 9” trong thời gian học sinh đến trường; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lưu động khu vực cổng trường, nhất là vào giờ cao điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời bố trí lực lượng điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài.
Chỉ đạo các đơn vị trường học tăng thời lượng tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đến học sinh, sinh viên; tích cực đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền cho phù hợp và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Đối với các trường sử dụng dịch vụ đưa, đón học sinh, sinh viên bằng ô tô, ngay từ đầu năm học phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an kiểm tra điều kiện của người điều khiển phương tiện và sự an toàn của học sinh. Mọi kỹ thuật xe, quy trình, địa điểm đón, trả đều đúng quy định để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tăng cường tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thực hiện nghiêm nguyên tắc “Đã uống rượu, bia – không lái xe “. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng kỹ thuật số và vào các khung giờ vàng trên truyền hình.
Lệ Quyên