Theo Bộ, sẽ mất khoảng một tuần để khắc phục sự cố rò rỉ nếu nhà máy vẫn hoạt động sau ngày 31 tháng 12. Trong thời gian sửa chữa, nhà máy sẽ tạm thời đóng cửa.
Nhà máy Isar 2, đặt tại bang Bavaria, dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay như một phần trong kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân của Đức. Tuy nhiên, xung đột ở Ukraine và việc nhập khẩu năng lượng từ Nga giảm mạnh đã dẫn đến sự thay đổi trong chính sách. Chính phủ Đức đang có kế hoạch giữ hai trong số ba cơ sở điện hạt nhân của mình hoạt động trong năm tới. Bộ Môi trường xác nhận rằng họ đang làm việc với Bộ Kinh tế để đánh giá tình hình mới và tác động của nó đối với việc thiết kế và thực hiện chế độ dự phòng.
PreussenElektra, công ty con của E.ON và chịu trách nhiệm vận hành Isar 2, xác nhận rằng lò phản ứng sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi đóng cửa theo lịch trình. Tuy nhiên, việc ngừng hoạt động một tuần vào tháng 10 sẽ là cần thiết nếu nhà máy tiếp tục hoạt động vào năm tới.
Dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel, năm 2011, Chính phủ Đức đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân sau sự cố tại một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản. Vào tháng 3, Đức đã tiến hành một cuộc kiểm tra căng thẳng đối với lưới điện và kết luận rằng các nhà máy điện hạt nhân không còn cần thiết cho an ninh năng lượng và do đó có thể bị loại bỏ dần vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thị trường điện nước này đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi hóa đơn tiền điện tăng vọt một phần do Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Ngoài ra, một đợt hạn hán vào mùa hè khiến các con sông ở Đức khô cạn và cản trở việc vận chuyển than đến các nhà máy nhiệt điện. Vì vậy, Đức đã quyết định tạm dừng xóa bỏ các nhà máy điện hạt nhân, duy trì hai nhà máy điện hạt nhân là Neckarwestheim và Isar 2 cho đến giữa tháng 4 năm 2023 để ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng.