(HNMO) – Được ví như “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên, Măng Đen là khu du lịch sinh thái giàu tiềm năng của tỉnh Kon Tum. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và khí hậu mát mẻ quanh năm, Măng Đen mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và không gian nghỉ dưỡng yên bình cho du khách khi đến Tây Nguyên.
Thiên nhiên tươi đẹp, dễ dàng trải nghiệm
Măng Đen là khu sinh thái thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa nên quanh năm mát mẻ. Tại đây, nhiệt độ trung bình dao động từ 16 – 22 độ C, không khí có chút se lạnh vào buổi tối.
Điểm hấp dẫn của Măng Đen là rừng nguyên sinh bao phủ, đặc biệt là rừng thông tự nhiên với diện tích gần 4.000 ha. Ẩn mình trong rừng thông là hệ thống thác nước và hồ nước độc đáo. Du khách sẽ được tham quan thác Pa Sỹ thơ mộng giữa rừng nguyên sinh; Thác Lô Ba với độ cao trên 40m bắt nguồn từ đỉnh núi cao Măng Bút; hay trải nghiệm nhiều dịch vụ mới tại hồ Đăk Ke với làn nước trong xanh. Ngoài cảnh đẹp, Măng Đen còn phát triển du lịch tâm linh với các điểm đến như chùa Khánh Lâm, đồi Đức Mẹ…
Sáng sớm ở Măng Đen, khi làn sương mỏng còn đọng trên lá, du khách dễ dàng cảm nhận được sự thanh bình, trong lành nơi đây. Đi trên những con dốc dựng đứng – đặc trưng của địa hình Tây Nguyên, dạo bước dưới những rặng thông xanh mướt, ngắm nhiều loại hoa rừng khoe sắc rực rỡ…, mọi mệt mỏi gần như tan biến. Chính vì vậy, Măng Đen là điểm du lịch hấp dẫn du khách từ nhiều năm nay.
Là người đã hai lần đến Măng Đen, chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) cho biết, điểm hấp dẫn của Măng Đen chính là vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, thân thiện. “Ẩm thực ở Măng Đen cũng là một điểm thu hút du khách. Khi đến đây, du khách nên thưởng thức món gà nướng lá tiêu rừng, cơm lam, lẩu xuyên tiêu … ”, chị Hà chia sẻ kinh nghiệm.
Để đến Măng Đen, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển. Đối với những bạn ở xa có thể di chuyển bằng máy bay, từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài đến sân bay Pleiku (Gia Lai) rồi đi xe khách đến Kon Tum, sau đó đến Măng Đen. Những ai thích du lịch mạo hiểm có thể đi theo hình thức ba lô. Những con đường quanh co, thơ mộng ở Măng Đen sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn cho du khách. Trên đường đi, du khách có thể dừng chân cắm trại nghỉ ngơi, ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ.
Phát triển thành khu du lịch trọng điểm của Tây Nguyên
Tây Nguyên được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, vùng du lịch Măng Đen là một trong 31 vùng có quy mô và tiềm năng. Đặc biệt du lịch nổi bật của Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Theo UBND huyện Kon Plông, huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen như: Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng được triển khai đồng bộ; tích cực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch; lưu trú Măng Đen cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách với gần 47 cơ sở lưu trú đang hoạt động, khoảng 560 phòng, công suất đáp ứng tối đa 1.600 khách; công suất phòng đạt 70-75% trở lên.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình cho biết, sau đợt dịch Covid-19, lượng khách đến Măng Đen đông hơn. Hiện đơn vị đang nỗ lực kết nối với các tỉnh Tây Nguyên cũng như tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết với các hãng lữ hành trong tỉnh và cả nước để xây dựng các tour, tuyến mới về Việt Nam. với Măng Đen.
Hiện tốc độ xây dựng và phát triển đô thị ở Măng Đen khá nhanh, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tác động không nhỏ đến việc bảo tồn cảnh quan, sinh thái du lịch. Để phát huy tiềm năng to lớn của du lịch Măng Đen trong việc phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, nhằm thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn cả quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyên Trùng Khánh cho rằng, địa phương cần kết hợp hài hòa giữa xây dựng, phát triển với bảo tồn, gìn giữ thiên nhiên. Ngoài ra, các địa phương cần nêu cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên.